Tết Hàn Thực là ngày lễ bắt nguồn từ Trung Quốc song dần theo thời gian, nó đã trở thành một ngày lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vậy trong văn hóa Việt, ý nghĩa Tết Hàn Thực là gì?
Theo nghĩa chữ Hán, “Hàn” là lạnh, “Thực” là ăn, “Tết” thực ra là cách đọc trại từ “Tiết” trong “Tiết khí”. Tết Hàn Thực có thể hiểu là “Tết ăn đồ lạnh”.
Ngày Tết Hàn Thực diễn ra vào mùng 3 tháng 3 âm lịch, có nguồn gốc từ một câu chuyện có thật trong lịch sử Trung Quốc. Thời Xuân Thu (770 – 221 TCN), vua Tấn Văn Công nước Tấn khi gặp loạn phải sống cảnh lưu vong đã được hiền sĩ Giới Tử Thôi đi theo phò trợ, hiến nhiều mưu cao kế giỏi, giúp vua Tấn giành lại ngôi vương.
Không được vua Tấn nhớ công ban thưởng, ông không chút oán thán, sau bao năm bôn ba, ông quyết định về quê đưa mẹ vào núi ở ẩn, làm tròn đạo hiếu. Tới khi vua Tấn nhớ ra, vời ông về kinh đô ban bổng lộc, Giới Tử Thôi cũng không màng danh lợi mà từ chối, dù bị vua đốt rừng thúc ép quay về cũng không chấp nhận, thà chết cháy nơi rừng núi hoang vu. Vua thương xót nên cho lập miếu thờ, hạ lệnh kiêng đốt lửa 3 ngày, chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn từ trước để tưởng niệm Giới Tử Thôi, về sau dịp này còn được gọi là Tiết Hàn Thực (từ mùng 3/3 đến mùng 5/3 âm lịch hàng năm).
Ý nghĩa Tết Hàn Thực trong văn hóa Việt Nam
Do vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử, văn hóa Việt Nam và Trung Quốc sớm đã giao thoa và có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Ở Việt Nam cũng có Tết Hàn Thực nhưng không phải để tưởng nhớ Giới Tử Thôi mà mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc. Tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3 và Tết Thanh Minh - vẹn tròn một chữ hiếu, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, thế hệ đi trước.Tết Hàn Thực trong văn hóa Việt có những sắc thái riêng và mang đậm chất dân tộc với ý nghĩa hướng về nguồn cội, ghi nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của tổ tiên. Vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân vẫn nổi lửa, nấu nướng bình thường. Người Việt còn sáng tạo ra món bánh trôi bánh chay mang theo hồn dân tộc với ý nghĩa tượng trưng cho đồ ăn nguội – hàn thực.
Nói đến Tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3, chỉ cần là người con đất Việt, hẳn không ai không nhớ về vị ngọt ngào, thơm mát nhẹ nhàng của bánh trôi bánh chay. Món ăn truyền thống này đã trải qua bao thăng trầm lịch sử và đi vào thơ ca dân tộc, nổi bật là bài thơ “Bánh trôi nước” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp cái hoa vàng thơm lừng ngây ngất, mang hương vị thanh trong, tươi mát của đất trời, cũng thể hiện đặc trưng của nền văn hóa lúa nước lâu đời. Bánh trôi nặn viên tròn nhỏ, vỏ bánh trắng tinh, lại thêm nhân đường đỏ, luộc trong nước sôi, chờ bánh nổi lên thì vớt vào đĩa, rắc chút vừng cho thơm. Còn bánh chay thường được nặn viên to, tròn dẹt, không nhân hoặc nhân đậu xanh nghiền, luộc chín cho vào bát rồi rước nước đường nóng có thêm gừng xắt sợi. Mùi đỗ xanh thơm phức, mùi đường mật ngọt ngào, chỉ hai món ăn đơn giản nhưng dường như khiến cho không khí tết trở nên sôi động và ý nghĩa hơn.
Bánh trôi bánh chay được đem cúng ông bà tổ tiên, tỏ lòng thành kính và thể hiện nỗi nhớ thương người đã khuất. Ngoài ra, nhiều nơi cũng có tục lệ làm bánh để cúng Thành hoàng. Vào những ngày này, con cháu dù ở xa cũng cố gắng về quây quần bên gia đình. Chỉ cần cùng người thân thưởng thức đĩa bánh trôi bánh chay cũng thấy lòng ấm lại, cảm nhận được khí xuân thanh mát đang về, cảm nhận được nhân tình thế thái. Nhiều người còn truyền tai nhau rằng, mùng 3 tháng 3 âm lịch ăn bánh trôi bánh chay là để ôn lại chuyện xưa, nhớ về một thời đã xa của dân tộc Việt Nam.
Cứ đến ngày mùng 6 tháng 3, làng Hát Môn ở Phúc Thọ - Hà Tây lại có lệ dâng bánh trôi lễ Hai Bà Trưng. Tương truyền, Hai bà thua trận Cẩm Khê chạy về Hát Môn (cũng chính là nơi phất cờ khởi nghĩa) thì sức cùng lực kiệt, cổ bị thương nặng. May sao gặp được Bà hàng (chính là bà tiên hiện về đón Hai bà lên trời), được bà mời ăn bánh trôi, lại chỉ lối cho Hai bà đường đi ra sông Hát để thoát khỏi sự truy đuổi của quân nhà Hán và gieo mình tuẫn tiết.
Lại có truyền thuyết kể rằng ngày mùng 6 tháng 3 năm Quý Mão (năm 42), khi Hai Bà Trưng chuẩn bị xuất quân đi đánh giặc thì có bà lão bán hàng nghèo khó xin gặp, lại dâng 2 đĩa bánh trôi bà tự tay làm để tỏ lòng thành kính. Dù cách giải thích có khác nhau nhưng bao đời nay, dân làng vẫn duy trì thực hiện nghi lễ làm bánh và dâng cúng bánh trôi. Đây cũng trở thành một nghi lễ tối linh trong lễ hội Hai Bà Trưng.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3, người dân Phú Thọ cũng dâng cúng bánh trôi. Hội Phủ Giày tháng 3 lễ Mẫu cũng thấy cúng bánh trôi.
Cũng có tích kể lại rằng bánh trôi bánh chay có từ thời Hùng Vương, 2 thứ bánh này được người dân sáng tạo ra để nhắc về sự tích “Trăm trứng nở trăm con” của Lạc Long Quân và Âu Cơ, trăm viên bánh tròn tựa như trăm quả trứng. Bánh trôi rắc vừng tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo mẹ lên non. Bánh chay chan nước đường tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
Như vậy, rõ ràng là trong văn hóa Việt Nam, Tết Hàn Thực có ý nghĩa hoàn toàn khác biệt, mang màu sắc dân tộc riêng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất, ghi khắc công lao của ông cha trong hành trình dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm lịch sử.
Ý nghĩa Tết Hàn Thực trong các nền văn hóa khác
Văn hóa Trung Quốc
Như đã nói ở trên, Tết Hàn Thực có nguồn gốc từ Trung Quốc, với ý nghĩa ban đầu là tưởng nhớ công lao của danh thần Giới Tử Thôi, đề cao tinh thần trung nghĩa và cốt cách thanh cao của ông. Dần dần, Tết Hàn Thực vì gần với Tết Thanh Minh nên cũng trở thành ngày tế lễ tổ tông, nhắc nhở con cháu về truyền thống đạo hiếu. Đến ngày nay, Tết Hàn Thực đã trở thành một dịp để giáo dục thanh thiếu niên về truyền thống dân tộc, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong thời kì cách mạng.
Vào ngày này, người dân Trung Quốc kiêng đốt lửa, chỉ ăn đồ ăn nguội. Đồ ăn gồm nhiều loại, từ cháo trắng, mì sợi đến các loại bánh có ý nghĩa sâu sắc như Tử Thôi yến để nhắc nhớ về cốt cách tinh thần kiên trung bất khuất của Giới Tử Thôi, Xà bàn thố để cầu mong quốc thái dân an…
Theo truyền thống, ngày này người Trung Quốc có rất nhiều hoạt động như cắm liễu, đạp thanh, đánh đu, đá bóng, chọi gà. Các hoạt động này thường được tổ chức ngoài trời, là dịp để mọi người rèn luyện sức khỏe cũng như tận hưởng không khí ngày xuân. Trước đây, Tết Hàn Thực từng là ngày lễ lớn của dân tộc Trung Hoa, song theo thời gian, nó dần bị mai một, chỉ còn được tổ chức ở một số địa phương.
Văn hóa Hàn Quốc
Có thể nhiều người trong chúng ta không hề biết người Hàn Quốc cũng có Tết Hàn Thực. Bắt nguồn từ Trung Quốc, ngày này khi du nhập vào văn hóa Hàn Quốc đã trở thành ngày tảo mộ, tưởng nhớ tổ tiên. Tết Hàn Thực cùng với Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ và Tết Trung Thu được gọi là 4 ngày lễ lớn của dân tộc Hàn Quốc.
Vào ngày này, người Hàn Quốc thường đi thăm mộ phần của tổ tiên, cha mẹ, bạn bè thân thiết. Tục nhổ cỏ, trồng cây mới khi tảo mộ được gọi là “Cải sa thảo”.
Trước kia, vào Tết Hàn Thực, hoàng thất sẽ tổ chức lễ tế long trọng ở hoàng lăng và đền chùa lớn, còn người dân thì chuẩn bị lễ mọn để dâng cúng gia tiên, gồm hoa quả, bánh trái, rượu trà. Theo truyền thống, ngày này người Hàn Quốc cũng không đốt lửa mà chỉ ăn đồ nguội. Đồ ăn thường là bánh ngải, rau trộn được chuẩn bị từ ngày hôm trước. Trẻ con thì rủ nhau chơi những trò chơi truyền thống như đá cầu, đánh đu…, trải nghiệm những phong tục xa xưa mà ông cha để lại. Hy Vũ
Văn khấn Tết Hàn Thực (3/3 Âm lịch) Nguồn gốc Tết Hàn thực và ý nghĩa của bánh trôi bánh chay
Nguồn: ST & Tổng hợp từ Internet: Ngọc Sương (XemTuong.net)